Công bố Lệnh của Chủ tịch nước về 10 luật, chính thức cấm dịch vụ đòi nợ thuê

Theo Luật Đầu tư, từ ngày 1-1-2021 sẽ chính thức cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

Ngày 10-7, Văn phòng Chủ tịch nước họp báo công bố lệnh của Chủ tịch nước công bố các luật đã được Quốc hội khóa 14 thông qua tại kỳ họp thứ 9.

Theo đó, 10 luật được công bố gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp; Luật Hoà giải, Đối thoại tài Toà án; Luật Thanh niên; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều; Luật Doanh nghiệp; Luật Đầu tư; Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội.

Công bố Lệnh của Chủ tịch nước về 10 luật, chính thức cấm dịch vụ đòi nợ thuê - Ảnh 1.
Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Vũ Đại Thắng giới thiệu về Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư

Tại buổi họp báo, giới thiệu một số điểm mới của Luật Đầu tư, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Vũ Đại Thắng cho biết luật đã bổ sung “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vào danh mục ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh. Luật Đầu tư 2020 sẽ có hiệu lực từ ngày 1-1-2021.

Đây là một trong những nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội thảo luận tại các kỳ họp thứ 8 và thứ 9 khi góp ý về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi). Trong báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến trước khi thông qua dự án luật này, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho biết, đa số các ý kiến đề nghị cấm “kinh doanh dịch vụ đòi nợ”, nhưng một số ý kiến đề nghị không quy định cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ mà thực hiện theo luật hiện hành, đổi tên thành “kinh doanh dịch vụ thu hồi nợ”.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã gửi phiếu xin ý kiến các đại biểu Quốc hội và tiếp thu theo đa số ý kiến, có 317/409 đồng ý với phương án cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Biểu quyết về vấn đề này, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội cũng đồng tình với quy định cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cũng đã giới thiệu những cải cách quan trọng nhất của Luật Doanh nghiệp 2020. Cải cách đầu tiên là cắt giảm thủ tục hành chính và tạo thuận lợi hơn cho việc đăng ký doanh nghiệp, gia nhập thị trường, nổi bật là bãi bỏ thủ tục thông báo mẫu dấu, đồng thời quy định doanh nghiệp có thể sử dụng dấu “số” thay cho dấu “truyền thống”.

Luật cũng đã thiết lập cơ chế đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử với bộ hồ sơ điện tử mà không phải nộp thêm bộ hồ sơ giấy như hiện nay.

Về Luật PPP, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT cho biết, việc xây dựng khung pháp lý có hiệu lực cao hơn, ổn định hơn giúp tránh được các rủi ro cho nhà đầu tư trong trường hợp thay đổi chính sách. “Luật PPP được ban hành là cơ sở cho việc hoàn thiện môi trường đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng bền vũng, lâu dài”- ông Vũ Đại Thắng nhấn mạnh.

Dừng thí điểm hợp nhất 3 Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND

Giới thiệu một số nội dung cơ bản của Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, ông Nguyễn Trường Giang, Phó Tổng thư ký Quốc hội – Phó Chủ nhiệm UB Pháp luật, cho biết luật đã quy định chuyển tiếp để xác định lộ trình hoàn thành việc thành lập Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và Hội đồng nhân dân (HĐND) cấp tỉnh.

Theo đó, Văn phòng Đoàn ĐBQH được thành lập theo Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND, Uỷ ban nhân dân (UBND) tại các tỉnh, thành thực hiện thí điểm tiếp tục hoạt động cho đến khi Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND cấp tỉnh được thành lập để tham mưu, giúp việc, phục vụ chung. Việc thành lập Văn phòng này phải hoàn thành trước 1-7-2021.

Theo ông Giang, việc thí điểm hợp nhất 3 văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND, UBND sau hơn một năm thực hiện cho thấy, việc tổ chức một Văn phòng giúp việc chung cho ba cơ quan chưa thực sự đáp ứng mục tiêu đề ra là nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy tham mưu, giúp việc cho ba cơ quan này.

Việc này cũng chưa rõ được vai trò tham mưu trong trong hoạt động giám sát và quản lý, điều hành giữa cơ quan đại diện với cơ quan quản lý.

Vì vậy, theo đề nghị của Chính phủ, Quốc hội đã chấm dứt việc thực hiện thí điểm hợp nhất ba văn phòng theo Nghị quyết 580 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và quyết định sẽ tổ chức Văn phòng tham mưu, giúp việc chung cho Đoàn ĐBQH và HĐND cấp tỉnh. Còn văn phòng tham mưu, giúp việc, phục vụ riêng cho UBDN cấp tỉnh.

# Bài liên quan

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *